Freelancer nên tạo một profile đẹp
"Cuộc hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng một bước chân" (Lão tử)
Một freelancer sau khi hoàn tất việc đăng kí trên freelance site như , chúng ta cần phải xây dựng một profile (hồ sơ cá nhân) để tạo ấn tượng tốt khi khách hàng vào xem profile của mình.
Hầu hết các freelance site đều có những mục sau liên quan đến profile và bạn nên điền đầy đủ. Mỗi site sẽ dùng một số từ khác nhau, nhưng khá tương đồng về mặt ý nghĩa.
1/ Nêu rõ các lĩnh vực mà bạn có kinh nghiệm:
Ở đây bạn cần tự đánh giá bản thân và ghi rõ những lĩnh vực, chuyên môn mà bạn thành thục. Nếu thích thì bạn có thể ghi rõ bạn có bao nhiêu năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Tốt hơn nữa là bạn có làm bài test và đạt điểm cao ở những lĩnh vực mà bạn đã nêu.
2/ Vượt qua các bài test online
Những bạn có thực lực (kiến thức, kĩ năng) hãy chứng tỏ rằng bạn có thể vượt qua được bài test online. Mỗi lĩnh vực sẽ có 1 bài test trắc nghiệm, khoảng 40 câu hỏi, làm trong vòng 40 phút, thang điểm 100. Bài nào mà bạn cũng đạt 80 điểm trở lên là tốt rồi. Đừng bao giờ bỏ qua những bài test kiến thức, vì nó là bằng chứng xác thực nhất để cho khách hàng thấy bạn có đủ kĩ năng để làm việc. Đặc biệt quan trọng đối với những bạn chưa từng làm qua dự án nào ở website này. Thậm chí sau khi làm các bài test bạn có thể biết được những phần kiến thức, kĩ năng mà mình còn thiếu sót. Lợi trăm bề

Bạn có thể nói rằng tôi có 7 năm kinh nghiệm ở profile nhưng lại không vượt qua được bài test nào thì 7 năm đó là vô nghĩa đối với khách hàng.
3/ Giới thiệu một số thông tin khác về bản thân
Giới thiệu ngắn gọn về bản thân và nêu lên một số vấn đề mà bạn nghĩ khi khách đọc profile của bạn họ sẽ thích bạn hơn.
4/ Hình ảnh đại diện:
Một tấm hình đại diện cho bản thân bạn. Bạn có thể đưa hình thật nếu bạn chụp ăn ảnh. Cũng có thể đưa một logo mà bạn đã tự vẽ hoặc logo của nhóm, của công ty bạn.
Cần thận trọng với vấn đề hình ảnh, vì khi bạn đưa ảnh lên thì hình ảnh đó sẽ là đại diện cho bản thân. Khách hàng sẽ dựa vào đó đánh giá thẩm mĩ hoặc một góc tâm hồn của bạn. Nên nhớ chúng ta đưa hình ảnh đại diện lên để khách có cảm tình và đánh giá bạn có vẻ nghiêm túc trong công việc. Nếu bạn không ăn ảnh mà lại đưa khuôn mặt không được sáng sủa, tóc tai bù xù, hoặc cảnh vật trong tấm ảnh nhìn bừa bộn thì sẽ khiến khách hàng bỏ chạy đó.
Bạn thấy nhiều người làm kinh doanh họ thường ăn mặc rất trang trọng khi đi gặp đối tác không? Vì sao cần phải như vậy? Tự suy nghĩ và ứng dụng cho việc đưa hình đại diện lên site nhé.
5/ Portfolio:
Giới thiệu những dự án bạn đã làm ở đâu đó bằng cách đưa hình ảnh, lời giới thiệu tương ứng về những dự án này. Nếu bạn làm web thì nên đưa ra đường link của website bạn đã làm.
6/ Các dự án bạn đã thực hiện trên freelance site
Phần này bạn không tự làm được nếu như bạn chưa làm một project nào ở site đó cả. Đây là một phần rất quan trọng để những khách hàng mới biết bạn đã làm bao nhiêu project, các khách hàng cũ đã viết lời bình (review) như thế nào về bạn. Nói chung, nếu bạn làm tốt, quan hệ với khách hàng tốt thì khách hàng sẽ cho đánh giá tốt thôi. Nên thường xuyên chú trọng vào phần giao tiếp với khách hàng và nâng cao chuyên môn nghề nghiệp.
Profile là một trong những điều cần chú ý như đã nêu ở .
Khi profile của bạn được xây dựng tốt thì đó là một yếu tố không nhỏ để khách hàng quyết định sự chọn lựa giữa bạn và những freelancer khác. Nếu profile của bạn còn thiếu hoặc chưa tốt, hãy chỉnh sửa lại ngay.